Một LOạt Nhận Định Về Việt Nam 2005-2006greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread |
Một loạt nhận định về Việt Nam 2005-2006
Trong năm 2004 Việt Nam đã ký xong thỏa thuận WTO với EU
Chính trị của Việt Nam trong năm 2005 có những gì mới? Đó là nét chính trong bài mới nhất của giáo sư Carlyle Thayer, một trong những nhà nghiên cứu tình hình Việt Nam hàng đầu thế giới hiện nay.
Bài 'Political Outlook for Vietnam, 2005-2006' của GS Thayer, người Úc, vừa được trình bày tại Vietnam Regional Forum'05 ở Singapore ngày 6/01/2005 vừa qua.
Phần mở đầu giới thiệu rằng Việt Nam ở vào một vị trí đáng ghen tị với năm 2004 là năm tăng trưởng kinh tế cao, chính trị ổn định, đầu tư nước ngoài tăng, xuất khẩu cao nhất từ 7 năm qua...
Nhưng GS Thayer cũng cảnh báo rằng cùng với thời gian chuẩn bị đại hội đảng cộng sản toàn quốc lần thứ 10, năm 2006, đấu tranh trong nội bộ đảng cũng sẽ tác động đến một loạt vấn đề, nhất là quan hệ giữa khu vực công và tư trong kinh tế.
Nếu không giải quyết được các thách thức đó thì Việt Nam có thể rơi vào một thời kỳ tê liệt trong việc ra chính sách.
Bốn đề tài lớn
Theo GS Carlyle Thayer, trong hai năm tới, bốn đề tài lớn sau đây sẽ quyết định chính trị Việt Nam:
1. Đẩy nhanh chương trình cải tổ chính trị hiện nay với việc trung ương chuyển một số quyền lực cho các cơ quan hành chính địa phương và các tổ chức xã hội đang dần xuất hiện.
2. Tăng khả năng của Quốc hội trong việc làm luật và giám sát các cơ quan hành pháp. Hiện nay, theo GS Thayer, gần 97% luật vẫn do chính phủ soạn và đưa lên Quốc hội để thông qua mà thôi.
3. Chuẩn bị đại hội 10 của đảng CSVN với các cấp cơ sở bắt đầu thảo luận văn kiện của đảng và bầu chọn ứng viên dự đại hội toàn quốc ngay từ nửa sau 2005.
4. Các vấn đề kinh tế nảy sinh khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký thỏa thuận tự do mậu dịch với Hoa Kỳ.
Cả bốn đề tài này được GS Thayer cho là liên quan chặt chẽ đến nhau. Nếu không tăng sức làm việc của Quốc hội thì Việt Nam không thể hoàn tất công tác chuẩn bị pháp lý cho hội nhập như vào WTO.
Ngược lại, nếu vào được WTO thì một loạt thách thức mới do những cam kết quốc tế đem lại sẽ buộc Việt Nam phải cải tổ chính trị mạnh hơn và tăng hiệu năng của bộ máy hành chính mà tính yếu kém và tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm.
Cũng như vậy, nếu không vào WTO được thì Việt Nam sẽ thiệt hại lớn về kinh tế mà nguồn lợi do xuất khẩu đem lại đóng vai trò lớn (25,8 tỷ đôla Mỹ năm 2004).
Quan hệ Mỹ Việt sẽ ra sao trong nhiệm kỳ hai của TT Bush?
Chính trị nội bộ nhân đại hội đảng
Theo GS Thayer, trong năm 2004 Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong việc chống tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Ông trích báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt Nam vào hàng thứ 102 trong 145 nước xét về 'tham nhũng mang tính cơ chế'.
Ông cho rằng vấn đề chống tham nhũng rất có thể sẽ được các phe phái trong đảng dùng để tấn công nhau trong thời gian chuẩn bị đại hội đảng vốn họp năm năm một kỳ.
GS Thayer còn viết rằng trong giai đoạn lấy ý kiến chuẩn bị đại hội đảng, các nhân vật bất đồng chính kiến sẽ lên tiếng, gửi các thư ngỏ và kiến nghị, yêu cầu chấm dứt chế độ một đảng hoặc bỏ chủ nghĩa xã hội.
Sự chú ý của truyền thông quốc tế cộng với các hành động đàn áp của nhà nước có thể làm xấu quan hệ của Việt Nam với một số nước trên thế giới.
Về nhân sự sau đại hội 10, GS Carlyle Thayer đoán rằng có chừng 1/4 đến 1/3 ủy viên trung ương đảng sẽ được thay thế và 'rất có khả năng tới bốn thành viên Bộ Chính trị về hưu'.
Ông nói có thể 'không sai khi nói thủ tướng Phan Văn Khải (71 tuổi) và Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà (69 tuổi) sẽ về nghỉ'.
GS Thayer cho rằng ít có khả năng TBT Nông Đức Mạnh sẽ bị thay thế vì ông 'tỏ ra là một nhà lãnh đạo có hiệu quả và năng động'. Tuy vậy, ông nhắc rằng 'kể từ năm 1986, chưa có TBT đảng nào tại chức đầy đủ hai nhiệm kỳ'.
Việt Nam và Hoa Kỳ
Theo GS Thayer, trong năm 2005, thủ tướng Phan Văn Khải có lịch trình đi thăm Hoa Kỳ. Chuyến đi sẽ vô cùng quan trọng cho việc giải quyết hay không hai vấn đề là thỏa thuận mậu dịch tự do với Mỹ cho phép Việt Nam nhận quy chế bạn hàng bình thường vĩnh viễn (PNTR) và gia nhập WTO.
GS Thayer tiên đoán rằng các nhóm tại Hoa Kỳ sẽ nhân chuyến thăm của ông Khải để gây sức ép lên chính quyền Bush để gắn các điều kiện về quyền con người và tự do tôn giáo vào quá trình đàm phán.
Chính trị nội bộ Mỹ, như vậy, có thể sẽ khiến Việt Nam không đạt được các mục tiêu trên và có thể gây ra những khó khăn cho quan hệ song phương.
Nhưng theo GS Thayer, quan hệ quân sự Mỹ-Việt, sẽ bước vào một thời đại mới. Ông cho rằng Việt Nam muốn duy trì quan hệ cân bằng với mọi cường quốc qua chính sách 'làm bạn với tất cả các nước' nhưng sẽ được lợi nhiều khi đồng ý ký chương trình huấn luyện quân sự quốc tế IMET tức International Military Education and Training của Mỹ.
-- (Việt Nhân @ Filson.Net), January 12, 2005