NHỮNG NGƯỜI TRÊN SÂN CŨ

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

NHỮNG NGƯỜI TRÊN SÂN CŨ

NGÔ KIM THU

Thôi thế mọi chuyện cũng xong, như thường lệ.

Recall cũng như bóng đá (nữ, dĩ nhiên, chừ em không nói tới cái football vai u thịt độn hiện tại vẫn còn đang tiếp tục quần nhau trên màn ảnh TV mỗi ngày).

Ông chồng em và em, như thường lệ, vẫn bầu cho hai phe đối nghịch nhau, và em, cũng lại vẫn như thường lệ, bầu người nào thì người đó rớt đài cái bịch liền một khi, dù người em chọn, theo em, vẫn có nhiều khả năng hơn hẳn đối thủ vai u thịt bắp chuyên tuyên bố những câu rất ư rùng rợn, đao to búa lớn, rổn rảng hơn tạc đạn nghe thật hấp dẫn nhưng nghe rồi ngẫm lại lại chẳng thấy một tí ti giải pháp nào cụ thể khả dĩ giúp ngưới dân Cali thoát khỏi cảnh khốn khó hiện thời để còn hy vọng ngó được chút xíu ánh sáng cuối đường hầm cả.

Đảng Dân chủ cũng đã đoàn kết chặt chẽ để ủng hộ cho Gray Davis. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein được thúc đẩy ra tranh chiếc ghế thống đốc Cali cũng không những từ chôí mà còn lên TV vận động cho No Recall, vận động cho người mà bà nghĩ là đáng được để cho có đủ thời gian để hoàn tất những điều ông muốn làm cho Cali. Thế nhưng người dân Cali đã chọn. Thời nay, không phải con đường nào cũng dẫn tới La Mã nữa, mà tùy vào sự lựa chọn khởi điểm, East hay West, North hay South, nơi ta đến sẽ khác hẳn.

Nhìn mặt hai vợ chồng ông Thống đốc-elect rạng ngời như hoa mười giờ buổi sáng trên trang nhất của các báo, em tự nhủ mình hãy nhớ lấy để so sánh với mặt họ, cũng sẽ trên những trang báo này, ngày này, hai năm tơi! Và người Cali, với quyết định như thế, thì cũng rất xứng đáng với những gì sẽ được nhận trong những ngày sắp tới đây, dù là tốt, hay dù là ngược lại!!!

Việc đầu tiên của thống đốc-elect là đi gặp Big Brother để xin trợ giúp!!! Trời ạ, việc này thì em cũng làm được, ngay bây giờ, chứ không cằn phải đợi được mọi người bầu lên làm thống đốc “làm sạch thủ phủ” rồi mới có thể làm. Tiếc thay, ngay cả Big Brother cũng đang kẹt cứng với mớ thâm thủng khổng lồ ngày càng tăng của chính mình thì tiền đâu mà giúp với đỡ chứ.

Thành thử phản ứng đầu tiên của Big Bro, dù cùng phe cùng đảng, dù cử tri đoàn của Cali đương nhiên mọi người đều biết quan trọng cỡ nào cho kỳ bầu tông-tông của Big Bro đã cận kề, Big Bro cũng đành lắc đầu “ Sorry, man! “ chẳng kèm lời hứa hẹn cụ thể nào khác cả. Buồn thiệt!

Và em cũng vừa xem xong trận đấu của đội Mỹ-nữ tranh hạng 3 với kết qủa 3 - 0 thắng đội Thụy điển. Người đầu tiên mà em biết đang hài lòng là ông Hoàng Hải Thủy. Ông chắc hài lòng ngay từ phút đầu tiên khi đội tuyển Mỹ vừa xuất hiện với màu áo trắng truyền thống và định mệnh, màu áo mà ông gọi là mới mặc vô đã biết liền là sẽ thắng (?!!). Ông hậm hực in hệt ông chồng em rằng đội Mỹ thua, mất chức vô địch thế giới đáng lẽ đã cầm chắc trong tay, tất cả cũng chỉ vì đã mặc áo đỏ trong khi để màu trắng trinh nguyên cho đối phương ẵm đẹp.

Đau khổ hơn nữa là sau khi mất chức vô địch đáng-lẽ-chắc-chắn-là-được này về, tương lai của đội bóng với những cầu thủ vừa đẹp đến có người được mời đi đóng phin mà không đi, cương quyết ở lại với trái banh da, vừa tài nghệ tuyệt vời với những cú làm bàn sấm sét, những cú đánh đầu bay bướm, những cú phạt góc như đặt chẳng thua gì các nam cầu thủ của World Cup hay Euro, tương lai ấy cũng không sáng một chút xíu nào hơn, vì đội bóng chắc chắn cũng vẫn sẽ dẹp tiêm!

Ở Mỹ này em luôn luôn nghe “Lady first”, vậy mà các cầu thủ nam từ châu Âu cho đến Châu Mỹ La Tinh, ngay cả đến ông láng giềng vẫn bị coi là nghèo ơi là nghèo bên cạnh đây - nghèo tới nỗi dân lớn nhỏ cứ ngày đêm rình tìm mọi khe lối để cố vượt qua cho được lằn ranh phân chia hai nước, bất kể mọi hiểm nguy chực chờ, bắt bớ, ngay cả chết chóc nữa, hầu vô cho bằng được xứ tự-lo này - các cầu thủ của họ cũng vẫn được quý trọng một cách thật tình và cụ thể! Giá mua các cầu thủ giữa các đội banh thế giới vẫn ở con số hàng triệu.

Thế mà ở cái nước vừa giàu nhất thế giới, vừa trọng phụ nữ nhất thế giới này, các nữ cầu thủ vừa giỏi vừa đẹp như thế, hỡi ôi, lương bữa trước - em đọc trên báo - là 42 ngàn, hiện nay xuống còn 38 ngàn một năm, cái lương mà chỉ cần xuống một chút xíu xiu nữa thôi là có thể đi xin Medi-Cal chương trình Healthy Family cho con cái nếu qũy của đội không thể offer bảo hiểm y tế cho nổi, cái lương ấy cũng không có ai chịu đứng ra gồng giùm hết.

Tiền bạc còn mắc đổ vô cho những ngôi sao quần vợt, ngôi sao bóng chày, và nhất là những ngôi sao football-kiểu-Mỹ đáng giá hàng triệu mà thằng cháu em đang ngồi dán mắt say mê theo dõi trên TV kia. Có phải hồng nhan thường cứ phải truân chuyên cho cân xứng, dù là Đông hay là Tây thì Trời cũng vẫn cứ thấy má hồng là đánh ghen (?!!!) không quý vị?

Nhìn cầu thủ nhiều nước khác xuất hiện bên cạnh các nữ cầu thủ Mỹ, tài nghệ cá nhân đã không bằng, mà nhan sắc có người còn thua cả nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai (nghĩa là còn thua xa cả chị Dậu của An nam ta gì cũng cười nữa) vậy mà chắc chắn những con người không tài lắm và đẹp lắm ấy vẫn đang được những người yêu chuộng thể thao của nước họ bảo vệ, giữ gìn, tài trợ tối đa, là niềm hãnh diện của cả một quốc gia họ.

Buồn thay!

Đọc đến đây, xin qúy vị đừng phê bình em là thấy phụ nữ người ta đá bóng cũng bày đặt bắt chước bàn chuyện bóng đá. Dạ, em biết chuyện bàn đề kiểu này xưa nay vẫn là của quý vị nam tử chứ không phải cỡ em. Và thiệt tình, từ xưa xửa xừa xưa em cũng hoàn toàn chẳng những không khá, mà còn không cả thích gì lắm tất cả các môn thể thao nữa. Thể tháo gia thể tháo vô là em dở tệ, chẳng bao giờ có em!

Tuy vậy mà rồi em vẫn phải biết tới túc cầu, lần đầu tiên là khi gần 75, dù lúc trước đó em cũng có nghe danh các cầu thủ như Ngôn, Rạng, Tam Lang v.v. vì mỗi lần Sài Gòn có trận đấu nào là trên radio dù em chẳng bật cũng vẫn nghe giọng ông Huyền Vũ từ hàng xóm vọng sang hào hứng nhắc nhở tên tuổi quý vị này.

Và lý do mà lúc đó em biết túc cầu thì rất chi giản dị là vì trên trang nhất báo Chính Luận một ngày đẹp trời tự nhiên chụp hình các cầu thủ của hai đội bòng nữ Việt Nam ( nghĩa là Việt nam đã có các nữ cầu thủ trước thế giới cả 1/3 thế kỷ lận) đang giao đấu trên một sân vận động nào (lâu quá em quên mất rồi, xin lỗi qúy vị!) Các chị thi đấu rất là lịch sự, lịch sự hơn cả Tây.

Hình chụp một chị đội bên này đang giữa trận đấu giơ tay mời một chị đội bên kia với lời chú thích bên dưới tấm hình :

- Chị chị đá đi ch&ị!

Trời, tấm hình làm em nhớ đời, nhớ cho tới tận bây giờ, lúc này, khi đang ngồi gõ keyboard hầu chuyện nhạt cùng quý vị đây.

NGÔ KIM THU

-- Ho chi Minh Dam tac .. (vietnamcongsans Nuoi heo nhieu lam'' tieu doi nay mai @yahoo.com), November 07, 2004

Answers

Response to NHỮNG NGƯỜI TRÊN SÂN CŨ

Em chỉ thực sự theo dõi bóng đá từ sau 75, và hoàn toàn vì lý do chính trị chứ thoạt đầu chẳng có tí xíu nào mắc mớ tới thể thao cả.

Sau khi Miền Nam hoàn toàn bị thất thủ trước Bắc quân, những người lính Miền Nam đã bị lừa tập trung hết vào trong những trại tù xa xôi cách biệt, ngưới dân Miền Nam còn lại bên ngoài lòng đầy uất hận nhưng hai tay trống, kẻ có ý chí muốn dùng vũ trang chống cường quyền thì sức cô, thế yếu, chẳng kéo dài được bao lâu.

Cha Vàng, Vinh Sơn, Phục Quốc những tia hy vọng của người dân Miền Nam lần lượt thất bại, kẻ bị tù người đền nợ nước.

Người dân Miền Nam bị cấm đoán, bị tước bỏ tất cả mọi thứ tự do căn bản nhất, đi đâu phải xin phép, đến đâu ngủ lại dù chì một đêm cũng phải trình công an, cấm tụ tập, đám giỗ, đám hỏi, đám ma, đám cưới đều phải xin phép trước; cả xã hội là một nhà tù vĩ đại mà kẻ chăn tù là cả một tập đoàn khổng lồ, từ thấp nhất phường là tên công an khu vực đến cao nhất nước là tổng bí thư đảng đều có quyền sinh sát như nhau, người dân chỉ một vi phạm nhỏ cũng có thể được “ đi học tập mút mùa Lệ Thủy “( mấy chữ này em cũng nghe từ sau ngày

Miền Nam thất thủ, người dân Miền Nam “ được” cho đi tù miết, đi mãi chẳng thấy về, chẳng biết bao giờ xét xử, nhưng em chỉ nói theo mọi người thế chứ chẳng hiểu tại sao lại có cô Lệ Thủy dính vô đây, hoặc giả lệ thủy là một điển tích, một danh từ chung, một tiếng địa phương nào chăng.

Quý vị nào biết, xin chỉ giùm em với được không ạ? Xin đa tạ trước!) Người dân Miền Nam bị cấm tất cả các thứ, trừ mỗi một địa hạt, thể thao.

Chẳng phải nhà nước Cộng sản thương gì dân chúng miền Nam mà cho được phép giải trí cuối tuần như thế. Nhưng, tinh ma từng ngõ ngách nhỏ nhất của tâm lý con người để cai trị và diệt trừ mọi mầm mống phản kháng từ trứng nước, Cộng Sản Bắc Việt hơn ai hết biết rằng nếu cấm người Miền Nam tất cả mọi thứ thì rồi chắc chắn cũng sẽ có một ngày khi chịu hết nổi, tức nước vỡ bỡ tất cả mọi người dân Miền Nam cùng đứng lên một lượt thì lúc đó súng đạn công an xe tăng đại bác cỡ nào cũng chẳng chắc chắn bảo vệ nổi chế độ.

Nên nồi súp-de nào cũng cần có ống xả hơi để hạ áp xuất. Món xả hơi ưu việt nhắt chính là bóng đá. Sân Cộng Hòa ( được đổi lại là sân Thống Nhất) tụ tập hàng chục ngàn dân, cộng thêm hàng trăm ngàn người theo dõi qua màn ảnh nhỏ, hò hét, nhảy múa, vỗ tay, chửi thề... tất cả là một sự xả hơi trong vòng kiểm soát và không nguy hại cho chế độ nhất, để người Miền Nam còn có thể sau những giây phút ấy, tiếp tục cuộc sống bị trị không đối kháng.

Không nguy hại cho chế độ, không nguy hiểm về chính trị, bóng đá còn đem lại lơị nhuận kinh tế không nhỏ chút xíu nào cho nguyên đám cán bộ lớn nhỏ nữa. Người dân Miền Nam vốn ghiền bóng đá. Ngày xưa khi đất nước còn tự do, hàng trăm thứ giải trí khác sẵn sàng mà bóng đá vẫn thu hút hàng ngàn khán giả theo dõi say mê trên sân cỏ thực hay qua lời tường thuật nóng bỏng trên radio của đặc phái viên Huyền Vũ

( đến em, như đã thưa, chẳng biết tí ti gì về thể thao, về đội bóng, về cầu thủ v.và mà vẫn còn phải nín thở nghe ông Huyền Vũ la lớn trong radio láng giềng “ X lấy banh trong chân của Y, đem xuống, đem xuống, đem xuống nữa.

Suút! Banh vượt xà ngang, ra khỏi vùng cấm địa”), thì sau 75, ca nhạc không, xi nê thì không Rút-Xlan và Lút-Mi-La lại cũng chỉ thấy mỗi mặt chị Tư Hậu hoặc người mẹ cầm súng còn cái lai quần cũng đánh, ai can đảm bỏ tiền đi coi nổi, và bóng đá trở thành môn siêu giải trí của mọi người, mọi thành phần trong xã hội, thì mối lợi làm sao có thể nhỏ nổi.

Nguyên nắm nguồn phân phối vé chợ đen thôi cũng đã là một mối lợi khổng lồ, còn cộng thêm biết bao nhiêu cơn sốt đỏ đen cá độ, bán độ xoay quanh những trận đấu giữa các đội bóng Bắc Nam. Thành thử đội bóng của Bến Cảng Saigon năm xưa mới được cho phép đá lại, cộng với đội Quan Thuế cũ, đã được updated tên mới thành đội Hải Quan, và cả hai đã trở thành đội banh con cưng của không chỉ người Saigon, mà của cả Miền Nam.

Nhất là Cảng Saigon. ( Cũng như những người Miền Nam khác, em thích cả hai đội, vì cả hai đều là đội bóng của Miền Nam để chuyên đương đầu với các đội Miền Bắc Tổng Cục Đường Sắt, Cảng Hải Phòng, Dệt Nam Định v.v., nhưng em thích đội Cảng hơn, vì đó là cái, là nơi duy nhất mà hai chữ “ Sài Gòn “ còn được sử dụng, và được tất cả mọi người, kể cả đám cán bộ lớn nhỏ từ Bắc vô, gọi với một thái độ nể phục, không bị sửa thành Hồ-Chí-Minh Đuôi-Bự.

Bây giờ nhiều lúc lẩn thẩn ngồi nghĩ lại, em thấy không biết quý vị có nghĩ là em đang bị méo mó nghề nghiệp quá lắm không. Bóng đá Sài Gòn lúc đó thật giống một gia đình khách hàng của em, một “ AU of 02 unmarried parents, her separate child, his separate children, and a common child “, và trong đám con anh con em con chúng ta đó thì con riêng của bà mẹ Miền Nam là Cảng Saigon, lũ con riêng của ông chồng là một bầy các đội banh Miền Bắc, còn con chung là Hải Quan vì mặc dù Hải Quan là đội banh Saigon, nhưng trên lý thuyết lại là đội banh của Tổng Cục Hải Quan tuốt ngoài Hà nội. Và sở dĩ cò tình trạng unmarried như thế là tại vì người mẹ ở đây thế cô, hai mẹ con đang yên ổn ở trong nhà của chính mình thì bỗng bị một bầy cha con đao búa ở đâu kéo tới, ập vô nhà ở lỳ và bắt phải nhận làm chồng làm cha làm anh em mặc dầu trên thực tế thì phải gọi là quân ăn cướp mới đúng.

Và rồi từ cuộc sống chung cưỡng bức ấy, đứa con chung Hải Quan đã phải chào đời. Tuy em méo mó nghề nghiệp, nhưng nghe cũng có lý chứ bộ, phải không quý vị?

Nhưng mà quả thật Cảng Saigon chơi hay thiệt. Em không biết những ông Rạng, Ngôn v.v. xưa chơi hay thế nào, nhưng cứ nhìn những đường banh của các cầu thủ Cảng tấn công trên phần đất các đội tuyển Miền Bắc, những đường chuyền, những cú dứt điểm vô cùng bay bướm ngoạn mục làm rung cả cầu trường và rung cả màn ảnh TV, em thấy đã vô cùng.

Và, nổi bật hơn tất cả trên cầu trường là thủ môn của đội Cảng. Thủ môn Lưu Kim Hoàng, vừa gầy vừa cao vừa đen ( em thấy trên TV thế chứ em chưa đi xem ở ngoài bao giờ nên em chẳng biết thực bên ngoài thủ môn Hoàng có đen thui như trên TV không ) nhìn tướng giống Lý Tiểu Long.

Mỗi lần Cảng ra quân đấu với bất cứ một đội Miền Bắc nào, nhìn thấy Lý Tiểu Long Lưu Kim Hoàng trấn trong khung thành là tất cả mọi người (Miền Nam, dĩ nhiên ) và em an tâm vô cùng, mặc cho các “ đội bạn “ tha hồ chơi xấu đủ kiểu, húc người, tặng cùi chỏ ngang nhiên ngay giữa mặt đối phương, đá ống quyển, đốn đầu gối bạn thay vì đá trái banh da v.v - những chuyện rất thường ngày truyền thống ở huyện của tất cả các “đội tuyển” Miền Bắc trong bất cứ một trận đấu dù lớn dù nhỏ xíu nào - khung thành miền Nam vẫn vững như đồng, tay chân thủ môn Hoàng dài ngoằn như vượn, vươn tới bất cứ góc trái phải trên dưới nào của khung thành để bắt dính tất cả mọi trái banh đá tới.

Và có một trận mà chẳng bao giờ em có thể quên. Em tin nhiều người cũng không quên như em. Đó là trận đấu để dành chức vô địch đại diện Việt Nam đi đá ở Mã Lai Á.

Các đội Miền Nam lần lượt thua Cảng Sàigòn, kể cả Hải quan. Dẫn đầu Miền Bắc là đội Tổng Cục Đường Sắt. Hai đội gặp nhau tại Saigon để tranh chiếc vé duy nhất lần đầu tiên từ ngày “ thống nhất” để đi đá ở ngoài Việt nam. Mọi người đều ngầm hiểu ngay từ vòng đá loại là đội đại diện Việt Nam bằng mọi giá phải là một đội Miền Bắc. Để Miền Nam dành chức vô địch đại diện thì còn mặt mũi nào là Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa Ưu Việt nữa chứ.

Đấy là về mặt chính thức. Ngoài ra, còn những vấn đề tế nhị không nói ra nhưng ai cũng biết. Trước tất cả, là nếu cho bằng ấy tên Sàigon mà lại cùng qua một nước tư bản thì thôi còn gì nữa. Chả lẽ nhà nước lại đi chi tiền mua vé máy bay cho ngần đó tên đi vượt biên chính thức à.

Ngần đó tên mà nhất định ở lại hết cả chưa kể dám thêm đám trưởng, phó đoàn, hay dám cả đám công an đi theo “bảo vệ “ phái đoàn cũng làm tới theo nữa (chuyện này thì 99.99 % có thể xảy ra lắm chứ) thì thôi còn chi mặt mũi Đảng và Nhà Nước nữa trời.

Lý do thứ hai là mặt lợi ích kinh tế ( và hình như đấy mới quả thực là quan trọng! ). Các đồng chí Liên sô vĩ đại khi đi tham quan hoặc công tác nước ngoài, chỉ cần mua đem về nước có hai cái “quần bò” thôi là đã đủ trang trải mọi chi phí chuyến đi - gồm cả quà cáp cho lãnh đạo, cho kẻ ký giấy, người đề cử cho đi - rồi, huống hồ các đồng chí cán bộ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đầu óc đầy sáng tạo, thì cứ là...phải biết!!!

Với ngần đó lý do quá ư chính đáng và thực tiễn, Tổng Cục Đường Sắt bắt buộc phải là đội được hân hạnh mang chân đi đá xứ người, bằng mọi cách, bằng mọi giá. Tít mù trên cao các đồng chí lãnh đạo cũng nhất trí thế rồi mà.

Và hình ảnh mà em nhớ mãi mãi về thủ môn Lưu Kim Hoàng là hình ảnh anh đứng trước khung thành của mình, hai tay chắp sau lưng, mặt quay vào lưới, lưng quay ra săn, bất động, cô đơn và thách thức, một cách phản đối công khai sau khi tất cả các bạn anh đã bị các Cục Sắt

( sao lại có cái tên tự đặt chính xác đến thế hở quý vị?) đốn ngã với sự làm ngơ công khai của các trọng tài - một cách tàn bạo hơn cả khu giác đấu La Mã xưa.

Các cầu thủ Cảng Saigon, người gãy ống quyển, kẻ sưng đầu, người bể đầu gối, trận “ đá” dã man tàn bạo trắng trợn và lộ liễu hơn tất cả mọi trận trước đó vốn đã dã man tàn bạo vô thể thao. Một trận đấu nhớ đời.

Lâu quá em mới hân hạnh được tái ngộ cùng quý vi, mà.. khổ ghê, em chẳng có thì giờ mấy để gọt dũa vấn đề cho đàng hoàng như em muốn gì hết.

Ngày nào em cũng ngất ngư làm gần 10 tiếng tối tăm mặt mày, cộng thêm một tiếng ra đi khi trời còn tối trở về lúc trời đen thui, em thật hết hơi, chẳng làm được cái gì khá cả. Như bài này quý vị thấy đấy, em nhập đề khi đội túc cầu Mỹ nữ vưa thắng Thụy Điền đoạt giải ba thế giới, vậy mà khi viết tới đây thì ông tài tử màn bạc vai u thịt bắp ở Holywood đã tuyên thệ xong từ bao giờ, đang ngồi ở phủ Thống đốc của tiểu bang em, và đang bắt đầu thấy thấm thía nỗi đau của người đi trước, nụ cười không còn phởn phơ như những ngày đầu nữa. Thôi ráng đi ông ạ.

Cái chổi ông giơ lên ngày ra tranh cử vẫn còn thỉnh thoảng được một hai đài truyền hình nơi đây mang ra chiếu lại cho bàn dân coi.

Chưa biết thủ phủ Sacramento sạch đến thế nào rồi, chứ cái màn thâm thủng ngân sách thì hình như càng lúc càng hãi hùng hơn lên sau màn mị dân không tăng thuế xe của ông. Mấy bữa trước em nghe nói ông định đi vay đâu đó 20 tỉ trám đỡ.

Rồi lại nghe ông tính phát hành trái phiếu khoảng 15 tỉ để những người dân Cali mà ông biết là rất yêu mến ông đến nỗi đã đá văng cả một người tốt nghiệp Yale có kinh nghiệm cùng mình đi để ưu ái dành chỗ cho ông ngồi ủng hộ và cùng với ông giải quyết những khó khăn trước mắt.

Công nhận dân Cali liều và có máu gambling thiệt. Chẳng cần biết người mình giao trách nhiệm sẽ làm như thế nào nhưng muốn đổi là cứ đổi, muốn recall thì cứ recall, bất kể. Chắc chắn kẻ nào đó đứng ra cho vay lúc này, mai mốt phải thu lại cái chi hay ho lắm, chứ em chả tin tí xíu nào là vì mến mộ tài tử xi-cờ-la-ma mà chi đẹp thế cả.

Quý vị có tin thế không cơ? Bí mật hậu trường top cỡ đó thì tép riu như em làm sao dám biết nổi chứ. Còn nếu phát hành trái phiếu thì biết đâu lúc đó luật đã đổi và ông đang ngồi trong tòa Nhà Trắng rồi, đâu còn phải quét dọn cái thủ phủ bé xí Sacto nữa mà phải lo chuyện trả nợ. Tên nào lúc đó đâm đầu ra thì tên đó lãnh đủ, ráng chịu. Đâu phải ông nữa đâu!

Hôm qua em đọc trên internet khổ ghê quý vị, mỗi trưa em chỉ có được đúng 30 phút để vừa ăn tinh thần vừa ăn vật chất cùng lúc, thành thử em chỉ xem ào một tí xíu tin nào có vẻ hay ho mà thôi là đã hết giờ Michael Ventre bàn đề về vụ Michael Jackson đang bị lôi thôi mà lúc này lại đang “ deep in debt” nữa, tiền đâu mà trang trải như hồi 1993. Ông đưa kế cho Michael Jackson là, “ His only legitimate hope is a run for governor of California, and he w’ll have to wait a while for that ”.

Nếu đối thủ chính cuả Arnold mà là một ca sĩ nổi tiếng ( về tất cả mọi phương diện, kể cả những cái kỳ quái nhất ) như thế thì em e rằng, với những người Cali như em đã thấy kia, kỳ tới không dễ dàng gì bắp thịt có thể qua mặt nổi giọng ca quá.

Quay tới quay lui, hai năm qua cái vèo, mở mắt ra em lại thấy mình đang có một thống đốc mới với bộ mặt hơn 300 lần plastic surgeries thì ôi hãi hùng quá đỗi, em chẳng dám nghĩ tiếp nữa đâu. Người Việt vẫn có câu “bạc như dân”.

Thôi cứ chờ coi sao. Dù gì ông cũng có ít nhất là hai năm để ngồi thử chiếc ghế cao nhất xứ Cali này xem nó cứng mềm ra sao. Xin chúc ông lucky như những nhân vật trong phim ông vẫn đóng. Chỉ có điều em vẫn thắc mắc, là không biết giờ này các nữ cầu thủ Mỹ đang ra sao, đã có đấng hào hiệp nào ra tay cứu khốn phò nguy chưa, hay các cô đã chia tay lặng lẽ về với những nghề nghiệp nào khác rồi, và sang năm em sẽ chẳng còn được coi những đường banh đẹp đẽ kia nữa chăng?

Nghe sao buồn quá quý vị ạ.

NGÔ KIM THU



-- Ho chi Minh Dam tac .. (vietnamcongsans Nuoi heo nhieu lam'' tieu doi nay mai @yahoo.com), November 07, 2004.


Response to NHỮNG NGƯỜI TRÊN SÂN CŨ

"NGÔ KIM THU " đây là "Thu " hay là "Thú" (thú vui chứ không phải thú vật) chắc là đồng bọn Kerry chắc ,đa số phụ nữ khoái tụi đảng dân chủ vì tụi dân chủ mà Bill Clinton đại diện khoái cho phụ nữ thổi kèn .

-- thich du thu (toollovers@comcast.net), November 07, 2004.

Moderation questions? read the FAQ