Trí Thức và Doanh Nhân Việt Nam Hải Ngoại

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Trí Thức và Doanh Nhân Việt Nam Hải Ngoại Trông Đợi Được Gì Ở Cộng Sản Việt Nam?

Minh Vũ Hồ Văn Châm

Vào giữa tháng 11 năm 2002 vừa qua tại Bắc Kinh, Trung Cộng đã tổ chức Đại Hội Đảng lần thứ 16. Đại Hội kết thúc với việc Hồ Cẩm Đào, 59 tuổi, được bầu làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thay thế Giang Trạch Dân đã ngót nghét 80. Hồ Cẩm Đào đã được 2,114 đại biểu của 65 triệu đảng viên cộng sản chính thức tôn lên ngôi vị quyền lực tột cùng của Trung Quốc kể từ ngày 15-11-2002. Trong Đại Hội Đảng lần thứ 16 này, Giang Trạch Dân đã đọc báo cáo chính trị quan trọng, nêu lên điểm thay đổi đảng cương mấu chốt là Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ có 3 thành phần đại diện: thành phần lao động (nông dân và công nhân), thành phần trí thức (trí thức tiến bộ), và thành phần doanh nhân (chủ nhân tư sản, lãnh đạo quốc doanh). Trong diễn văn nhậm chức, Hồ Cẩm Đào đã dựa vào báo cáo chính trị này, và xác quyết tư duy 3 thành phần đại diện của Giang Trạch Dân là phù hợp với chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông và lý thuyết Đặng Tiểu Bình, và sẽ là ý thức hệ chỉ đạo cho các hoạt động của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong thời gian tới.

Vì lẽ Việt Nam tự nghìn xưa vốn có truyền thống tổ chức đất nước rập khuôn theo các mô thức chính trị, văn hóa và xã hội Trung Quốc, nên rất nhiều người trong các cộng đồng Việt Nam hải ngoại nghĩ rằng việc thay đổi người lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc đi đôi với việc thay đổi đảng cương sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện Việt Nam. Thật thế, trong đề cương 3 thành phần đại diện có đề cập đến vai trò và vị thế của trí thức và doanh nhân là một điều rất mới lạ. Trong tình hình hiện nay, sớm muộn gì Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng theo đuôi Đảng Cộng Sản Trung Quốc, sẽ rập khuôn mô thức 3 thành phần đại diện của Giang Trạch Dân. Một số không nhỏ trí thức và doanh nhân Việt Nam hải ngoại nghĩ rằng rồi đây mình sẽ có cơ hội tích cực đóng góp công sức vào việc xây dựng đất nước, phục vụ nhân dân.

Suy nghĩ như vậy có quá đơn giản và quá lạc quan không?

Trí thức và doanh nhân là những thành phần chiếm tỷ lệ cao về mặt số lượng trong các cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Về mặt thu nhập, họ cũng vượt trội các thành phần khác. Nếu trí thức và doanh nhân Việt Nam hải ngoại điềm nhiên tọa thị an hưởng cuộc sống ổn định và phồn vinh nơi xứ sở dung thân thì chuyện này cũng là lẽ thường, chẳng có gì đáng trách. Nếu trí thức và doanh nhân Việt Nam hải ngoại lại còn nghĩ đến quê cha đất tổ, đến tương lai của đất nước, đến phúc lợi của đồng bào, mà thiết tha kỳ vọng vào thiện tâm thiện chí của nhà cầm quyền cộng sản tạo điều kiện cởi mở chế độ để họ đóng góp công sức vào việc tái thiết và phát triển Việt Nam, thì chuyện này lại là chuyện đáng khen, đáng khuyến khích. Nhưng chỉ bằng vào đề cuơng 3 thành phần đại diện của Giang Trạch Dân bên Trung Quốc mà đã hết lòng tin tưởng rằng Cộng Sản Việt Nam sẽ theo đuôi Cộng Sản Trung Quốc đổi mới tư duy, sẵn sàng dành chỗ đứng xứng đáng cho trí thức và doanh nhân Việt Nam hải ngoại, thì chuyện này quả tình là vội vàng và xốc nổi, rút cục chỉ là chuyện viễn vông.

Trí thức và doanh nhân Việt Nam hải ngoại cần quán triệt 3 vấn đề sau đây để xác định đúng mức thân phận của mình dưới con mắt lượng giá của tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam:

Trí thức và doanh nhân Việt Nam hải ngoại khác với trí thức và doanh nhân nói trong đề cương 3 thành phần đại diện của Giang Trạch Dân.

Cộng Sản Việt Nam không phải lúc nào cũng rập khuôn theo các mô thức tổ chức và phương hướng hành động của Trung Quốc.

Bản chất cộng sản là bất biến, tư duy và hành động của cộng sản có thể tùy thời mà thay đổi nhưng bản chất cộng sản không bao giờ thay đổi, đó là nguyên tắc dĩ bất biến ứng vạn biến.

Trí Thức Và Doanh Nhân Theo Quan Điểm Cộng Sản.

Báo cáo chính trị của Giang Trạch Dân tại Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 16 đề cập đến sự cần thiết phải có mặt trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc 3 thành phần đại diện xã hội là công nông đại diện, trí thức đại diện và tư bản đại diện, tức là, nói theo ngôn từ cộng sản, đại diện các lực lượng sản xuất hàng đầu, đại diện các lực lượng văn hóa tiến bộ, và đại diện các quyền lợi kinh tế của quần chúng. Các lực lượng sản xuất hàng đầu là các thành phần lao động sản xuất, bao gồm nông dân và thợ thuyền, mà từ trước tới nay được gọi là liên minh công nông, được xem là nồng cốt của xã hội chủ nghĩa. Các lực lượng văn hóa tiến bộ bao gồm các thành phần trí thức đã chịu đầu hàng giai cấp, các cán bộ cao cấp gốc công nông được tái đào tạo tại chức, các thành phần chuyên gia trẻ đào tạo trong nước hoặc ở các nước xã hội chủ nghĩa, và gần đây ở Bắc Mỹ và Tây Âu, và các giới văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa bao gồm các thành phần trước tác lẫn trình diễn và sản xuất. Các quyền lợi kinh tế của quần chúng là các quyền sở hữu và sử dụng vật tư và phương tiện sản xuất, đất đai, nhà máy, xí nghiệp, mặt bằng, vốn liếng v.v..., nghĩa là, nói theo ngôn từ thông dụng, các quyền lợi của giới chủ nhân tư sản dân tộc, bao gồm các nhà kinh doanh lãnh đạo các cơ sở kinh tế tư doanh hoặc quốc doanh.

Gạt qua một bên thành phần công nông đại diện để chỉ phân tích các thành phần trí thức đại diện và tư bản đại diện, vấn đề được nêu lên ở đây là liệu các giới trí thức và doanh nhân Việt Nam hải ngoại có ai tự đồng hóa mình được với các mẫu người trí thức tiến bộ và các ông chủ tư bản đỏ của xã hội xã hội chủ nghĩa không?

Buổi ban đầu của sự nghiệp cách mạng vô sản, khi mà mọi nỗ lực đấu tranh mang nặng tính chất bạo lực, cộng sản không xem trọng trí thức. Hồ Chí Minh đã từng nói trí thức không bằng cục phân. Cục phân còn dùng được để bón ruộng, chứ trí thức thì hoàn toàn không dùng được vào việc gì. Gia dĩ, trí thức thời đó xuất phát từ địa chủ và quan lại, bản thân trở thành tư sản và tiểu tư sản. Ngoại trừ tiểu tư sản, các thành phần trí thức gốc gác địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều nằm trong diện phải diệt trừ tận gốc rễ. Trí thức tiểu tư sản thì được xếp vào loại đồng minh có điều kiện, nghĩa là phải chịu đầu hàng giai cấp. Đầu hàng giai cấp có nghĩa là tự cải tạo mình thành vô sản, chịu đi thực tế lao động chân tay để học tập tác phong quần chúng và hòa đồng với tập thể công nông. Lý thuyết là vậy, nguyên tắc là vậy, còn thực tế thì vô cùng giản đơn. Đầu hàng giai cấp là chối bỏ quá khứ và bản ngã để tuyệt đối trung thành và cúc cung phục vụ cộng sản, tự nguyện hóa thân làm nô lệ cho cộng sản. Đến khi cách mạng vô sản đã vững chân, cộng sản mượn cớ cải cách ruộng đất và rèn quân chỉnh cán để tận diệt trí phú địa hào (trí thức, phú nông, địa chủ, hào mục), cho dù trước đó họ đã ít nhiều có công với cách mạng. Ngoài những phần tử xét thấy nguy hiểm cho chế độ đã bị tiêu diệt ngay lúc mới cướp chính quyền (giai đoạn 1945-1946) như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Tạ Thu Thâu, Trương Tử Anh, Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ, đến thời kỳ này (giai đoạn 1950-1952), tất cả trí phú địa hào đều bị đào tận gốc, trốc tận rễ, không còn sót một ai. Trí thức như Tuần phủ Đặng Văn Hướng, đã giữ chức Tỉnh trưởng Nghệ An giúp Hồ Chí Minh ổn định dân tình, địa chủ như bà Cát Hanh Long, đã dâng hết của cải ruộng vườn cho cách mạng để nuôi bộ đội, tất cả đều bị đấu tố chết. Trong guồng máy xã hội chủ nghĩa sạch trơn bóng dáng trí thức gốc gác phong kiến và tư sản, chỉ còn sót lại lác đác một số những phần tử trí thức trâng tráo vô liêm như Phạm Khắc Hoè, hay tiêu cực cam phận như Phan Anh, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, hay các chuyên gia vô tâm vô hại như Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa.

Cũng từ thời kỳ này, cộng sản bắt đầu xây dựng đội ngũ trí thức mới, được gọi là trí thức tiến bộ, hay trí thức xã hội chủ nghĩa. Cộng sản tiến hành phương pháp sàng lọc, tuyển sinh theo tiêu chuẩn lý lịch để gạt bỏ hết các phần tử không phải là công nông, đồng thời đem chính trị vào học đường, đưa lý thuyết Mác Lê vào chương trình giảng dạy, và đoàn ngũ hóa giáo chức và học sinh trong các tổ chức đảng đoàn và hiệu đoàn. Phương châm đào tạo trí thức của cộng sản là hồng hơn chuyên. Giới trí thức tiến bộ xã hội chủ nghĩa, kể cả các chuyên gia kỹ thuật, cần giỏi chính trị hơn là giỏi chuyên môn. Giỏi chính trị ở đây có nghĩa là thuộc nằm lòng các giáo điều Mác-xít Lê-ni-nít, phát ngôn đúng lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, chấp hành vô điều kiện mệnh lệnh của cấp lãnh đạo Đảng. Nói một cách khác, giới trí thức tiến bộ xã hội chủ nghĩa được đào tạo để trở thành những tên nô lệ cộng sản. Vì Trường Chinh tự ví mình với Nguyễn Trãi, và tập đoàn lãnh đạo cộng sản nối gót họ Mạc, họ Nguyễn đề cao Nguyễn Trãi để giảm uy tín Lê Lợi, nên nhà sử học Phan Huy Lê xu thời đã nâng Nguyễn Trãi lên ngang tầm với Lê Lợi và gọi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa Lê Lợi - Nguyễn Trãi.

Vì dân không có thịt để ăn, trẻ con chậm tăng trưởng chiều cao, người lớn gầy còm không có sức đề kháng chống bệnh tật, nên nhà khoa học Từ Giấy đã cúi mặt tuân hành lệnh trên, bẻ cong ngòi bút soạn phúc trình nghiên cứu quả quyết rằng 3 kilô đọt sắn (đọt khoai mì) có giá trị dinh dưỡng bằng 1 kilô thịt bò.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại miền nam Việt Nam, cộng sản giở lại bài bản cũ, tiếp tục tiến hành có hệ thống việc triệt tiêu lớp trí thức của chế độ cũ, và đào tạo lớp trí thức mới tiến bộ theo đúng hệt quy trình đã áp dụng tại miền bắc. Ngày nay, trên toàn cõi Việt Nam, chỉ thuần còn có một loại trí thức, bao gồm những phần tử cam tâm chối bỏ quá khứ và bản ngã, những cán bộ chuyên tu tại chức (dốt như chuyên tu, ngu như tại chức), những chuyên gia gốc gác con em cán bộ cách mạng được đào tạo trong nước hoặc ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và gần đây ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Kỳ dư thì nếu không mục xương trong các trại cải tạo thì cũng thất thểu xó chợ đầu đường, hoặc bỏ đi ra nước ngoài. Đại biểu của lớp trí thức tiến bộ này chính là trí thức đại diện nói trong đề cương của Giang Trạch Dân.

Thành phần tư sản xã hội chủ nghĩa thì tương đối ít phức tạp hơn. Sau năm 1952, có thể nói rằng không còn phú nông và địa chủ ở miền bắc. Chiến dịch cải cách ruộng đất đã quét sạch các thành phần này. Việc đấu tố khốc liệt đến nỗi dân tình náo động khắp nơi, khiến cộng sản, sau 2 đợt phát động chiến dịch và hoàn tất kế hoạch, đã vờ vĩnh sửa sai, quy tội cho Trường Chinh để đưa Lê Duẩn lên chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản. Qua năm 1954-1955, khi cộng sản vào các thành phố Hà Nội và Hải Phòng, tất cả tư sản đều đã di cư vào miền nam. Việc cải tạo công thương nghiệp tư doanh ở miền bắc tương đối dễ dàng êm thấm. Phải đợi đến sau năm 1975, khi cộng sản đã chiếm lĩnh Sài Gòn và sát nhập miền nam vào miền bắc, người ta mới thấm thía thực tế tàn khốc của việc cải tạo công thương nghiệp tư doanh xuyên qua các chiến dịch đánh tư sản mại bản. Cộng sản sử dụng những danh từ hoa mỹ để phân loại tư sản làm tư sản dân tộc và tư sản mại bản, kỳ thực chẳng có tiêu chuẩn gì rõ ràng và chính xác để xếp loại như vậy. Chẳng qua a dua theo cộng sản, làm việc cho cộng sản, dâng hiến tiền của cho cộng sản, ấy là tư sản dân tộc. Không phải như vậy là tư sản mại bản, cần đánh để diệt trừ: đóng chốt, xét nhà, tịch biên, đổi tiền, sung công (quốc hữu hóa), bắt giam (tập trung cải tạo). Thế là bao nhiêu của cải của tư nhân, từ nhà cửa, ruộng vườn, đến vàng bạc, trương mục, xí nghiệp, vật tư, phương tiện kinh doanh v.v... một phần được chuyển thành tài sản nhà nước cộng sản, một phần thất thoát lọt thẳng vào tay các cán bộ dính dấp với chiến dịch đánh tư sản. Phần tài sản tước đoạt của tư nhân cộng với các khoản công sản thừa hưởng từ chế độ cũ được biến thành các cơ cấu kinh tế quốc doanh, để rồi, theo đúng quy luật tiến triển của chính sách bao cấp làm ăn không cần lời lãi chỉ có thua lỗ, dần dà chuyển thành tài sản riêng của các cấp cán bộ cộng sản có chức có quyền. Kết cục là giai cấp cán bộ của chế độ chuyên chính vô sản dần dà hữu sản hóa để trở thành giai cấp tư bản đỏ. Đại biểu của những người này chính là tư bản đại diện nói trong đề cương của Giang Trạch Dân.

Tương Quan Chính Cương Chính Sách Giữa Việt Cộng Và Trung Cộng.

Việt Nam với Trung Quốc như môi với răng, môi hở thì răng lạnh. Gia dĩ, tự nghìn xưa Việt Nam chịu ảnh hưởng đậm đà của văn hóa Trung Hoa. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều mô phỏng theo Trung Quốc để xây dựng nền tảng quản lý đất nước. Đến thời kỳ cận đại, cách mạng vô sản ở Việt Nam thành công, kháng chiến chống Pháp của Việt Nam thắng lợi, một phần lớn là nhờ có Trung Cộng hậu thuẫn. Bởi vậy, sự kiện một số trí thức và doanh nhân Việt Nam hải ngoại ngày nay nghĩ rằng sớm muộn gì Việt Cộng cũng theo đuôi Trung Cộng đổi mới tư duy, cải tiến chế độ theo đề cương chính trị 3 thành phần đại diện của Giang Trạch Dân là điều dễ hiểụ

Để phân tích và đánh giá nhận định của các thành phần trí thức và doanh nhân Việt Nam hải ngoại vừa nêu trên, chúng ta hãy nhìn lại quá khứ liên hệ đến mối tương quan giữa Việt Nam và Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đặc biệt là mối tương quan chính cương chính sách giữa Việt Cộng và Trung Cộng, để đặt vấn đề là có phải lúc nào Việt Cộng cũng rập khuôn các mô thức tổ chức và phương hướng hành động của Trung Cộng hay không?

-- Post lại cho (Viet_Nam@Quê-Hương.govt), October 23, 2004


Moderation questions? read the FAQ