Bán hàng... la ...chuyên vui o*? Vn tui ta(.ngcho ca´c chiê´n hu*u~

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Bán hàng... la 16/08/2004 11:17:31 AM GMT +7Một phụ nữ vác lặc lè một nùi gồm: dây thun quần, kim gút, dây dù, dây móc chìa khoá... đủ thứ hầm bà lằn và một chồng thau nhựa cao nghều mở to mắt, mồm cười toe, hồ hởi nắm vai tôi lắc như lắc chai thuốc trừ sâu trước khi sử dụng: “Chèn ơi! Quên bạn học hồi tiểu học rồi hử?”.

Thì ra đó là con bạn ngày đi học thường khóc nhè trong lớp. Sau giây phút nhận quen, cô bạn giới thiệu đang sống bằng cái nghề nghe rất... ồn: Bán hàng la

Bán hàng la là... vừa bán vừa la

Cô bạn học có cái tên khai sinh rất chi đảm đang: Nguyễn Thị Kim Chỉ. Nghề bán hàng la là cái nghề truyền kiếp từ ông nội của Chỉ truyền đến tận bây giờ. Hồi thời đó, người ta dùng dao chém vào cục đá lửa đặt trên bùi nhùi để lấy lửa nấu cơm. Khoảng đầu thế kỷ 20, ở Sài Gòn - Gia Định bắt đầu xuất hiện một công cụ lấy lửa rất nhỏ gọn được gọi là hộp quẹt đá và hộp quẹt diêm. Lúc ấy, rất ít người dân nông thôn biết được cái công cụ lấy lửa hiện đại ấy. Ông nội của Chỉ vốn là một thanh niên nông thôn đi học nghề thợ may ở Chợ Lớn. Học đến 2 năm ròng mà ông chỉ may được có mỗi một kiểu quần tà lỏn đáy nem lưng rút. Biết mình không có năng khiếu may, ông quyết về quê chấp nhận nghề làm ruộng. Trước khi về, ông gom hết tiền mua một vài cái hộp quẹt đá mang về quê làm quà. Cái hộp quẹt đá đã hớp hồn ngay các cụ nghiện thuốc rê ở quê, ông nội của Chỉ “chia lại” với giá gấp 20 lần giá gốc. Thấy bở, ông nội của Chỉ quay về Chợ Lớn mua cả thùng vác về chợ quê bán. Không ngờ ngồi cả ngày giữa chợ, không một ai ghé hỏi thăm. Đến sập tối, có một bà già ghé vào hỏi: “Chú bán cái chi mà tròn tròn, dài dài, nhỏ nhỏ vậy chú? Đến lúc đó, ông nội của Chỉ mới hiểu ra rằng từ sáng đến giờ không bán được là vì không ai biết mình bán cái gì. Thế là ông cầm cái hộp quẹt đá lên vừa quẹt quẹt cho nẩy lửa vừa giảng giải: “Hộp quẹt con gà, chính hiệu con gà. Chỉ cần cà một cái, đốt cháy... cái nhà. Mại dzô! Mại dzô!”. Mặc dù chợ sắp vãn nhưng người qua kẻ lại, ai cũng ghé vào xem cái hộp quẹt con gà” vòng trong vòng ngoài. Loáng một cái, thùng hộp quẹt được bán sạch trơn. Mua nguyên thùng giá 1 đồng Đông Dương bán ra được 50 đồng Đông Dương. Ông nghiệm ra rằng, những món lạ, người bán cần phải giới thiệu và biểu diễn công dụng, khách hàng mới chịu mua. Từ hôm đó, ông trở thành dân bán hàng la. Sau khi hộp quẹt quá quen thuộc, ông đi lùng tìm những thứ khác mà người dân thời đó còn lạ lẫm như: Phẹc mơ tuya (dây kéo), dây thun luồn lưng quần, đèn pin ma nhê tô, đèn măng sông... Mỗi một loại đồ vật, ông phải nghĩ ra một bài la. Thí dụ như dây thun luồn lưng quần. Lúc ấy, người ta chỉ bận quần vận lưng dây rút, chứ chưa biết sử dụng dây thun. Tròng quần vào người rồi rút dây lưng cột xiết eo. Ông nội của Chỉ la về dây thun luồn quần như sau: “Dây thun luồn quần. Dây thun luồn quần. Không cột cũng chắc: Không cắt cũng cởi được quần. Không cần... quần, cái lưng thun không cũng đẹp. Mại dzô!”. Vừa rao, ông vừa cầm dây thun bật choác choác vào không khí.

Kể xong “sự tích ông nội”, Kim Chỉ “gút” lại: “Đặc điểm của nghề bán hàng la là chỉ bán những món lạ, mới được phát minh. Nhưng bây giờ công nghệ thông tin hiện đại rồi. Vì vậy nghề bán hàng la chuyển hướng sang bán những món hàng thiết yếu với đời sống hằng ngày của người dân. Đặc điểm thứ hai là phải vừa bán vừa la vừa biểu diễn công dụng của món hàng”. Để minh họa cho tôi hiểu, bất ngờ Kim Chỉ gân cổ... la làng: “Đập cho bể nè! Đập cho bể nè!”. Vừa la, Kim Chỉ vừa giang tay cố đập một cái thau nhựa xuống nền đất, rồi nhảy dựng lên dậm chân lên đít thau. Ngay lập tức, tiếng la của Kim Chỉ thu hút hàng trăm cặp mắt đổ dồn về. Lúc ấy, Kim Chỉ cầm cái thau dúm dó lên mỉm một nụ cười thật duyên rồi nói to với những người hiếu kỳ xúm xít lại: “Bà con đã tận mặt chứng kiến tôi đập cái thau này rồi nhé. Đừng nghĩ rằng trong cơn tức giận tôi đã phí của. Thưa, xem đây”. Kim Chỉ nắn nhẹ, cái thau nhựa trở lại hình dáng ban đầu. Quư bà, quư cô, quư cậu... khi nóng giận thường chụp đồ đạc trong nhà đập cho đã tay, cho nguôi cơn giận, cho bớt cơn buồn. Chẳng may vớ phải thau nhôm thì chỉ còn nước bán ve chai. Thau này được sản xuất bằng công nghệ vĩnh cửu. Không bao giờ bể. Chỉ 5.000 đồng/cái. Hôm nay chỉ còn 10 cái. Ai có máu nóng giận mua nhanh, mua nhanh”. Không đầy 15 phút, đống thau nhựa được bán sạch. Bán xong cái thau cuối cùng, Kim Chỉ chỉ kịp nói nhỏ với tôi: “Giá vốn một cái thau đúng 2.000 đồng”. Dứt lời nó đưa tay chào tôi rồi “biến” thật nhanh.

Cư dân hàng la

Có thể nói dân bán hàng la có mặt ở khắp các chợ từ quê đến thành. Họ không cư trú ổn định bất cứ nơi nào. Anh Hồ Ngọc Ẩn, quê gốc ở Long An, đi bán hàng la từ năm 18 tuổi, bây giờ đã 52 tuổi. Năm 20 tuổi, anh ghé Công viên Lưu Hữu Phước (Cần Thơ) bán “con rùa chạy trốn” (một loại đồ chơi trẻ em). Anh đang la: “Con rùa chạy ngang sợi chỉ! Sợi chỉ trói chân con rùa!”. Tiếng la vừa bí hiểm khó hiểu vừa ngồ ngộ kéo sự tò mò của đám con nít rất đông. Chợt chúng giải tán và kéo về hướng một tiếng la trong trẻo, ngọt ngào: Tôn Ngộ Không xuất hiện! Tôn Ngộ Không xuất hiện!”. Anh Ẩn bỏ đám “rùa chạy trốn" theo đám con nít đi về phía tiếng la. Thì ra một cô gái đang bán một con khỉ rối bằng gỗ. Sợi chỉ nối bàn tay con khỉ rối với một chiếc buồm. Mỗi khi có gió, chiếc buồm giật giây khiến con khỉ rối múa thiết bảng lung tung phèng. Hôm sau, anh xin cô gái bán chung. Một năm sau, cô gái ấy đẻ cho anh 1 đứa con. Bây giờ, hai vợ chồng có 3 đứa con. Cả gia đình bầu đàn thê tử ấy đã xuôi ngược khắp 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với cái nghề hàng la. Hiện tại, có rất nhiều gia đình sống kiếp tha phương cầu thực bằng nghề hàng la như anh Ẩn. Tại một xóm nhà trọ ở Cầu Đúc, Long An có hơn 5 gia đình bán hàng la. Mỗi gia đình bán một loại hàng khác nhau. Người thì bán các loại long não; người thì bán những món đồ chơi trẻ em lạ lẫm như chú lính chì, búp bê nhảy disco; kẻ thì bán vòng cẩm thạch, nhẫn bạch kim... dỏm: kẻ thì bán đèn pin soi tiền giả... Họ bán tất cả những món gì lạ lẫm đối với cư dân địa phương. Bán cho đến khi cư dân nơi đó không còn thấy lạ gì lời rao của họ nữa thì họ chuyển đến địa bàn bên cạnh. Cứ thế, cuộc đời họ cứ lênh đênh khắp sông hồ.

Phải rày đây mai đó nên những đứa trẻ hiếm khi học ổn định. Chú bé 12 tuổi, con anh Ẩn, đã phải học lớp 1 bốn trường. Do chuyển trường liên tục nên năm học lớp 3, chú bé phải học đến ba năm; sau đó, cương quyết không chịu đến trường nữa.

Chuyện học là thế, còn chuyện tư pháp thì... khỏi phải nói. Những người lớn có cái chứng minh nhân dân, chứ đám con nít thì chẳng có khai sanh mà cũng chẳng có hộ khẩu, hộ tịch gì cả. Thậm chí có những gia đình hàng la không có lấy một tờ giấy lận lưng kể cả giấy khai sinh. Anh Út Tư đang la ở chợ Mộc Hóa nói: “Hình như tôi hơn... 40 tuổi. Cha tôi bán hàng la, mẹ tôi cũng bán hàng la. Họ kể là sinh tôi Đà Lạt. Sinh tôi xong, cha mẹ tôi kéo nhau vào Long Khánh la nên không làm khai sinh cho tôi. Tôi cưới nhằm con vợ cũng là dân hàng la truyền đời. Vợ tôi cũng không có giấy khai sinh. Hai vợ chồng tôi không có hộ khẩu nên 5 đứa con không khai sinh được. Nhưng mà dân bán hàng la cũng chẳng cần mấy thứ giấy ấy làm gì. Có hộ khẩu cũng rày đây mai đó, không có hộ khẩu cũng mai đây mốt kia...”. Không có giấy tùy thân nên họ cứ bị cảnh sát khu vực phạt vi phạm hành chính mãi. Và cứ mỗi lần bị phạt là họ chuyển địa bàn hoạt động.

Để hạn chế việc bị nộp phạt, một số người bèn nghĩ ra cách năn nỉ những người có gương mặt hao hao giống mình xin mua... giấy chứng minh nhân dân với lời cam kết: Chỉ sử dụng ở địa phương khác. Người bán chứng minh nhân dân chỉ viện cớ mất giấy tờ rồi đăng kư làm lại!

Bí quyết... la

Bán hàng la có thể chia thành ba loại. Loại hàng “xi”: Chuyên bán những món nữ trang, làm đẹp loại dỏm như gương, lược, vàng vòng xi mạ, kẹp tóc... Loại hàng “xài” gồm những món đồ linh tinh vặt vãnh nhưng thiết yếu với đời sống hằng ngày như kim chỉ, dây dù, thau, nồi, giấy chùi nồi... Loại hàng “chơi” gồm những món đồ chơi lạ mặt dành cho thiếu nhi.

Thu nhập của dân hàng la không ổn định. Tuy nhiên, nếu lãi dưới 50.000 đồng/ngày la thì họ chuyển vùng ngay. Những ngày bình thường, mỗi người la có thể kiếm được hơn 100.000 đồng. Những nơi diễn ra lễ hội hoặc tết một người la có thể kiếm hơn 500.000 đồng/ngày là chuyện thường.

Anh Ngô Văn T.-, một tay bán hàng la đã bỏ nghề, tiết lộ: “Không có nghề lang thang nào lãi hơn nghề bán hàng la. Một chiếc nhẫn xi mạ giống như vàng 18K chỉ có 500 đồng vốn, mình hét giá 25.000 đồng. Khách hàng trả giá nào cũng dính. Một chiếc vòng cẩm thạch bằng thủy tinh gia vốn 1.000 đồng, mình hét 50.000 đồng. Người mua dám trả giá dưới 10.000 đồng/chiếc không? Mỗi ngày bán được một chiếc vòng cẩm thạch dỏm là đủ sống rồi. Nè, lưu ư nghen, dân hàng la không bao giờ lừa đảo nghen, họ luôn mồm bảo rằng, đây là hàng giả. Vậy mà các bà các cô cứ mua ào ào”. Kim, chỉ cũng vậy. Do lấy hàng sỉ nên giá rất rẻ và khi bán lại không hề lỗ. Dân hàng la chỉ lỗ khi gặp sự cố.

Sự cố trong nghề thì “binh thiên”. Vì phải dựa vào vỉa hè, lề đường để bán nên cái cảnh bị cảnh sát giao thông, trật tự, khu vực rượt chạy bỏ của lấy người xảy ra thường xuyên. Thậm chí có lần anh Ẩn xuưt hầu tòa vì bán hàng hàng la cho kẻ gian. Lần ấy, tên gian tặc mua của anh 3 chỉ vàng hàng la để lừa đảo. Khi bị công an bắt, hắn khai anh là người bán. Báo hại anh sợ đến ốm mấy ngày.



-- BACLIEU 2002 ( paltalk) (thomasph75@hotmail.com), August 16, 2004


Moderation questions? read the FAQ