Nhặt cơm từ rácgreenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread |
Nhặt 'cơm' từ rác
Dân nhập cư đi nhặt phế liệu từ rác ở TP HCM.
Bới từ bô rác được vài trái chuối cau, mấy khúc mía ôi, hai người đàn bà mừng húm, tìm đến chỗ vắng rúc rích ngồi ăn. Đi nhặt rác rồi nhặt luôn cả thức ăn thừa để lót dạ dường như trở đã thành chuyện "thường ngày ở huyện" của những người làm nghề nhặt phế liệu ở TP HCM.
Chỉ với chiếc xe đạp cũ, vài bịch nylon to tướng cột vào yên sau, trang bị thêm bao tay, khẩu trang, nón lá... là đủ để hành nghề. Khi trời chập choạng tối cũng là lúc hàng trăm, hàng nghìn con người túa ra các khu chợ, các con đường lớn của thành phố nhặt "rác". Từ vài tháng nay, đội quân này đông thêm và phần lớn là từ các vùng nông thôn phía Bắc di cư vào Nam.
Cô Hồng, quê Hà Nam, người có thâm niên trong nghề nhặt phế liệu cho biết, theo nghề chủ yếu là nông dân từ các làng quê nghèo như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Bình. Cô nói, sống ở quê chủ yếu lấy thu nhập từ ruộng, từ vườn. Nhưng thóc lúa, hoa quả cứ rớt giá liên tục. Nông dân phải chịu cảnh "nay ấm mai lạnh", bất đắc dĩ phải bỏ làng, bỏ quê vào Nam tìm kế sinh nhai. Có người còn kéo cả gia đình vào. Thất học, không nghề nghiệp, họ chấp nhận làm đủ thứ nghề để đổi lấy miếng cơm, manh áo. Nữ thì đi bán bắp xào, bán hột vịt lộn; nam thì theo nghề tẩm quất... Nghề nhặt phế liệu được "chuộng" nhất vì không cần vốn, không cần trình độ. Chỉ cần chịu khó, chịu cực, chịu... dơ là làm được.
"Hai giờ chiều là cả xóm bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị đi làm" - chị Nguyệt (48 tuổi), dân nhặt phế liệu quê ở Vĩnh Phúc nói - "Mỗi lần tới giờ đi làm là... vui lắm. Mấy trăm người cùng kéo nhau đi. Đến gần trung tâm thành phố, cả bọn lại chia thành từng nhóm tản mác về các khu chợ, các con đường lớn của thành phố để nhặt "rác". Phế liệu có đủ loại. Từ giấy vụn, bao nylon, bao xốp đến hộp nhựa, sắt vụn... Đắt nhất là mi-ca, giá 9.000 đồng/kg. "Hôm nào nhặt được nhiều mi-ca vụn là hôm đó vô mánh lớn", chị Nguyệt nói.
Khu vực Chợ Lớn, Chợ Cầu Muối, bô rác Tân Hóa... là những địa điểm được dân nhặt rác hay lui tới vì lượng rác nhiều. Cứ đến "ổ rác" là họ hùng hục lao vào nhặt. Một cô vừa bới các thùng vừa "truyền đạt" kinh nghiệm, bí quyết để "quên" đi mùi hôi thối là cứ tập trung tìm phế liệu, đừng để ý đến những thứ dơ bẩn xung quanh. Một cô khác thì nói: "Cứ vừa làm vừa nghĩ đến các con mình ở quê là mọi nhọc nhằn bay đi mất. Trong đầu cứ nghĩ làm sao nhặt được nhiều "rác" để gửi tiền về cho các con ăn học".
Cô Lượm, quê Thái Bình tâm sự, cả nhà cô đều đã nhập cư vào Nam. Chồng, con gái lớn của cô cũng vào đây nhặt phế liệu. Ở quê bây giờ chỉ còn đứa con nhỏ được gửi cho bà ngoại trông. Thanh niên trong làng thì đã bỏ đi vùng khác hết, làng xóm bây giờ chỉ còn các cụ già và trẻ em. "Nhớ con lắm nhưng mỗi năm chỉ dám về một lần. Tiền xe một chuyến về Bắc tính ra cũng đủ cho cả nhà dùng trong mấy tháng nên phải tiết kiệm", cô than.
Mỗi tháng chỉ kiếm được vài trăm nghìn dằn túi nên họ không chỉ phải tiết kiệm tiền xe về quê. Mọi chi phí ăn ở đều được hạn chế tối đa. Ngay cả hai bữa cơm trong ngày cũng được giảm xuống chỉ còn một bữa trưa. "Tiền đâu mà ăn nhiều. Còn phải để dành gửi về quê nữa chứ!", một người nói.
Ăn uống kham khổ, lại làm việc trong môi trường đầy rác bẩn nên trông ai cũng hốc hác, xanh xao. Cô Lượm kể: "Suốt ngày cứ phải chúi đầu chúi mũi vào mấy bãi rác nên nhiều lúc thấy mình như là...con hủi. Rác bẩn bám chặt vào người. Người ngợm thì lúc nào cũng dơ bẩn, hôi hám. Nhiều khi đi đường va quẹt phải ai là bị mắng... té tát vì làm bẩn đồ của họ. Những lúc đó tủi lắm nhưng cũng phải nuốt vào lòng. Không làm thì lấy gì sống đây?".
Lội bộ hàng trăm cây số, nhiều khi mệt lả. Nhưng mệt thì còn chịu đựng được chứ đói thì đành... chào thua. Có những lúc đói quá, thấy trong đống rác có gì "xơi" được là họ xơi tất. Nhiều lúc cũng được "một bữa no".
-- Vo Danh (Vo_Danh@yahoo.com), September 26, 2004